NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2024)!

Trang chủ/ Chuyển đối số

  09/01/2024     |  Lượt xem 364   

Đã đến lúc và đã đủ điều kiện để Chuyển đổi số Quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 29/12/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã cụ thể hóa một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành TT&TT trong năm 2024.

Cổng TTĐT huyện Ân Thi trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát biểu của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã đi qua 4 năm. Năm thứ nhất 2020 là năm Khởi động chuyển đổi số. Năm thứ hai 2021 là năm Tổng diễn tập chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc để phòng chống Covid. Năm thứ ba 2022 là năm Tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia. Năm thứ tư 2023 là năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới. Đã đến lúc và đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP, luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần và luôn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Nhưng đặc biệt, Kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. Kinh tế số là một mũi tên trúng hai đích vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.

Thủ tướng Chính phủ, trong phiên họp Tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số đã định hướng chuyển đổi số cho năm 2024 là: Phát triển Kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, Số hoá các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Năm 2024 là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng là mặt trận chính, với nhận thức thắng bại là ở đây, vừa là chuyển đổi số báo chí, vừa là đảm bảo không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Năm 2024 là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất. Dịch công trực tuyến toàn trình tức là phải được làm từ xa, từ nhà, người dân không đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công trực tuyến thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng. Năm 2023, chúng ta đã làm được một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất, thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm cho chúng ta làm mạnh mẽ trong năm 2024, để kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu giai đoạn chính phủ số ở Việt Nam.

Năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo. AI thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Con người thì ngược lại, càng nhiều dữ liệu thì càng ngây ngô (còn gọi là “tẩu hoả nhập ma”), càng ít dữ liệu thì càng thông minh. Vậy nên, cứ việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để AI làm. Hàng trăm ngàn văn bản các loại trong hệ thống của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Do vậy, lời giải duy nhất ở đây là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ. Số nhỏ thì cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sự sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Con người mà làm việc này thì thấy hạnh phúc, vui vẻ làm. Số mà lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm, có xu thế thoái thác. Trước đây thì chẳng có cách nào, cứ phải cố mà làm. Nay, đã có AI làm thay được, lại làm tốt hơn nhiều, vậy thì, năm 2024 này, các Bộ ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.

Cán bộ công chức nhà nước hiện nay đang rất vất vả. Lương thì không cao, quy định thì quá nhiều, không thể nhớ hết, hiểu hết, vì vậy mà rủi ro cũng cao. Nhiều cán bộ công chức bây giờ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng một phần là do không thể hiểu hết, biết hết các quy định, đó là chưa nói đến việc các văn bản này còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Một nền tảng làm việc số, hoặc một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức để ít nhất 70-90% công việc, những công việc đòi hỏi phải tuân thủ nhiều quy định, xử lý nhiều dữ liệu thì sẽ do trợ lý ảo làm hộ. Làm được như vậy thì năng suất lao động tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo. Bộ TT&TT đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán (đã được đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giảm thời gian xử án 30% và nâng cao chất lượng).

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

 
 
Liên kết
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 76972